Phần một: Hướng dẫn nội dung ôn tập-Phần văn học-Xuân Diệu

Nguồn website dethi123.com

I- NỘI DUNG TRỌNG T M CẦN ÔN TẬP 1. Cuộc đời a) Tiểu sử Xuân Diệu (1916 – 1985) tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu, quê nội ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên ở quê mẹ (Quy Nhơn – Bình Định). Sau khi đỗ tú tài, Xuân Diệu đi dạy học tư, làm viên chức ở Mĩ Tho rồi ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Ở Hà Nội, ông bí mật tham gia Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng tháng Tám, ông hăng hái tham gia các hoạt động xã hội với tư cách một người viết văn chuyên nghiệp: đại biểu Quốc hội khoá I; Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khoá I, II, III; Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hoà dân chủ Đức. Năm 1996, Xuân Diệu được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. b) Con người Là một trí thức “Tây học”, Xuân Diệu chịu ảnh hưởng và hấp thụ nhiều tư tưởng và văn hoá Pháp, nhưng đồng thời ông cũng thừa hưởng văn hoá truyền thống phương Đông, văn hoá Hán học từ người cha của mình – một ông đồ Nghệ. Tham gia cách mạng từ trước năm 1945, Xuân Diệu đã trải qua rất nhiều công việc, giữ nhiều vai trò quan trọng nhưng đóng góp đáng kể nhất của ông vẫn là với tư cách một nhà thơ, nhà văn. Cống hiến lớn lao nhất của Xuân Diệu là sự nghiệp văn học phong phú, đồ sộ, giàu giá trị. | Thời đại mà Xuân Diệu sống là thời đại có nhiều biến cố dữ dội như Cách mạng tháng Tám năm 1945, các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ,… Xuân Diệu từ nhỏ phải sống xa mẹ và thường bị hắt hủi nên ông luôn khao khát tình thương và sự cảm thông. Những dấu ấn này in đậm trong sáng tác cũng như góp phần hình thành nên những nét riêng trong phong cách nghệ thuật của Xuân Diệu. 2. Sự nghiệp văn học a) Quá trình sáng tác và các đề tài chính Sự nghiệp văn học của Xuân Diệu chia làm hai giai đoạn: trước và sau Cách mạng tháng Tám. Xuân Diệu là một tài năng đa dạng. Ông sáng tác thơ, văn xuôi, viết phê bình, nghiên cứu, dịch thuật, nhưng nổi bật nhất vẫn là thơ. 1. Tư tưởng chi phối toàn bộ sáng tác của Xuân Diệu là niềm khát khao giao cảm với đời. Ông luôn muốn chia sẻ, giao hoà tâm hồn sôi nổi và tinh tế của mình với muôn người; đồng thời cũng luôn muốn khẳng định cái tôi cá nhân độc đáo, mạnh mẽ và đầy nhiệt huyết của mình. Thế giới thiên nhiên và con người trong thơ Xuân Diệu là một thế giới tràn đầy sự sống với bao vẻ đẹp trần thế rất đỗi bình dị, gần gũi mà đắm say vô tận. Nó mời gọi, giục giã con người sống hết mình và cũng chính vì thế phải sống mạnh mẽ, sống “vội vàng”, không thể dửng dưng với thời gian một đi không trở lại. | Đặc sắc nhất trong sáng tác của Xuân Diệu là mảng thơ tình. Đây cũng là mảng thơ giúp ông thể hiện niềm khát khao giao cảm với đời một cách mãnh liệt, sâu sắc và toàn vẹn nhất. | b) Phong cách nghệ thuật – Về nghệ thuật, đóng góp của Xuân Diệu cũng như của các nhà thơ mới, thực ra không phải ở thể loại mà là ở cách nhìn và cảm thụ thế giới. Ảnh hưởng sâu đậm thơ ca hiện đại phương Tây, đặc biệt là trường phái thơ tượng trưng Pháp, Xuân Diệu đã tìm cách chiếm lĩnh thế giới, mô tả, thể hiện cuộc sống và tâm hồn con người một cách tinh vi, màu nhiệm bằng cách sử dụng ngôn ngữ sáng tạo, linh hoạt; đề cao tính nhạc và tăng cường sự cảm nhận của các giác quan. Cách nhìn và cách thể hiện ấy đã mang lại cho thơ Xuân Diệu một thế giới “đầy xuân sắc và tình tứ”; trong đó, chuẩn mực của cái đẹp không phải là thiên nhiên, như thường thấy trong thơ ca truyền thống, mà là con người – “con người giữa tuổi trẻ và tình yêu”. | Có thể nói, trước và sau Cách mạng tháng Tám, tâm hồn Xuân Diệu vẫn luôn ôm ấp và rạo rực một niềm nhiệt huyết. Tuy vậy, nếu như trước Cách mạng, những trang thơ, trang văn của Xuân Diệu càng thấm đẫm cảm giác cô đơn, giá lạnh bao nhiêu thì sau Cách mạng, ông viết về nhân dân, về đất nước, về Đảng, về Bác Hồ và về hai cuộc kháng chiến của dân tộc càng sôi nổi và nồng ấm bấy nhiều. Trước Cách mạng, Xuân Diệu luôn cảm thấy mình riêng lẻ, đơn côi (“Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất”) thì sau Cách mạng, ông lại thấy mình là một phần máu thịt của nhân dân, của đất nước: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi / Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu / Tôi sống với cuộc đời chiến đấu / Của triệu người yêu dấu gian lao”; “Đất nước ơi, ta quyện với mình chặt lắm / Nên đi rồi, lòng không thể gỡ ra”. Với hơn nửa thế kỉ lao động nghệ thuật, Xuân Diệu đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp văn học nước nhà, được khẳng định trên nhiều phương diện: nhà thơ, nhà văn, người viết tiểu luận, phê bình và là nhà dịch thuật,… Ở cả hai chặng đường trước và sau Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu đều có cống hiến to lớn cho nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông xứng đáng được coi là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hoá lớn của dân tộc. II – C U HỎI ÔN TẬP | 1. Trình bày khái quát về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Xuân Diệu trong một bài văn ngắn (khoảng 30 dòng). 2. Tư tưởng và cảm hứng bao trùm lên toàn bộ sáng tác của Xuân Diệu là gì? Trong thơ ca của Xuân Diệu trước và sau Cách mạng, tư tưởng ấy biểu hiện như thế nào? 3. Tại sao có thể nói đóng góp về nghệ thuật của Xuân Diệu nói riêng và các nhà thơ mới nói chung chủ yếu không phải về thể loại? Bằng hiểu biết của mình, anh (chị) hãy nêu đóng góp của Xuân Diệu về nghệ thuật thơ.