Phần một: Hướng dẫn nội dung ôn tập-Phần văn học-Tố Hữu

Nguồn website dethi123.com

I- NỘI DUNG TRỌNG T M CẦN ÔN TẬP 1. Cuộc đời Tố Hữu (1920 – 2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống văn chương, từ sáu, bảy tuổi, Tố Hữu đã được cha dạy học và tập làm thơ. Ông giác ngộ cách mạng trong thời kì Mặt trận Dân chủ và trở thành người lãnh đạo Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế. Những bài thơ đầu tiên được sáng tác năm 1937. Tháng 4 – 1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và giam giữ ở các nhà lao miền Trung và Tây Nguyên. Tháng 3 – 1942, ông vượt ngục Đắc Lay, tiếp tục hoạt động cách mạng. | Tố Hữu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước: Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế; Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông mất ngày 8 – 12 – 2002 tại Hà Nội. – Với những đóng góp to lớn cho văn học cách mạng, Tố Hữu đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng văn học lớn: Giải nhất Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1954 – 1955 (tập thơ Việt Bắc); Giải thưởng văn học ASEAN (1996); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996). 2. Sự nghiệp văn học a) Quá trình sáng tác và các đề tài chính Tố Hữu đến với cách mạng và thơ ca gần như cùng một lúc. Chặng đường thơ của ông gắn bó chặt chẽ với con đường cách mạng của dân tộc Việt Nam. TAM Thơ Tố Hữu thường gắn chặt và theo sát những dấu mốc quan trọng của cách mạng Việt Nam. Từ ấy (1930 – 1946), mở đầu chặng đường thơ Tố Hữu, là tiếng reo vui của một tâm hồn thanh niên giác ngộ lí tưởng, quyết hi sinh, phấn đấu cho lí tưởng. Trong ba phần của tập thơ: Máu lửa, Xiềng xích và Giải phóng, phần Xiềng xích có giá trị hơn cả, thể hiện sự trưởng thành vững vàng của người thanh niên cách mạng qua những gian lao, thử thách hiểm nghèo, đồng thời cũng bộc lộ một tâm hồn tha thiết yêu đời, khát khao tự do và hành động. Việt Bắc (1946 – 1954) được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Tập thơ tập trung thể hiện hình ảnh nhân dân, bộ đội và căn cứ kháng chiến Việt Bắc; đồng thời tập thơ cũng thể hiện những tình cảm lớn của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian lao mà anh dũng. Gió lộng (1955 – 1961) tiếp tục khai thác những nguồn cảm hứng lớn, kết hợp cảm hứng lịch sử mở ra từ cuối tập thơ Việt Bắc với sự thể hiện cái tôi trữ tình công dân. Tập thơ xoay quanh các chủ đề lớn: xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước và tình cảm quốc tế vô sản. Tập thơ mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Ra trận (1962 – 1971), Máu và hoa (1972 – 1977) tập hợp những bài thơ sáng tác trong thời kì cả nước chống Mĩ. Hai tập thơ ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi chiến thắng của nhân dân ta, đồng thời là lời kêu gọi cổ vũ cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh chống Mỹ cứu nước của dân tộc với tiếng thơ mang đậm tính chính luận – thời sự, chất sử thi và âm hưởng anh hùng ca. | Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999) là hai tập thơ ra đời khi đất nước bước vào thời kì đổi mới. Nhà thơ thể hiện những chiêm nghiệm về cuộc sống, về lẽ đời, về giá trị bền vững bất chấp những thăng trầm. Giọng thơ thấm đượm chất suy tư. | b) Phong cách nghệ thuật Kế tục dòng thơ cách mạng đầu thế kỉ XX và đổi mới trên cơ sở vận dụng những thành tựu hiện đại hoá thơ ca đương thời, Tố Hữu mở ra khuynh hướng trữ tình – chính trị trong suốt mấy chục năm của nền thơ hiện đại Việt Nam. | Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình – chính trị, phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước trong các thời điểm lịch sử cụ thể. Ông cảm nhận đời sống chủ yếu trên phương diện chính trị mà ít đề cập đến phương diện đời thường, đời tư. Chính trị trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo và luôn khơi gợi những xúc cảm chân thành, sâu lắng trong hồn thơ Tố Hữu. Ông là nhà thơ của lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của cuộc sống cách mạng và con người cách mạng. Thơ Tố Hữu thể hiện đậm nét cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi. Ông thường hướng về tương lai với niềm tin vô bờ. Ông tin cuộc đời cũ sẽ “tan như đám mây mờ”. Ông tin cách mạng sẽ “xây thế giới cao quá trời xanh thẳm”. Ông tin con người sẽ sống thật tốt đẹp: “Người yêu người, sống để yêu nhau”. Ông coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính sống còn của cộng đồng, của cách mạng và dân tộc. Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng lịch sử – dân tộc chứ không phải là cảm hứng thế sự – đời tư. Con người trong thơ Tố Hữu là con người của sự nghiệp chung với những cố gắng phi thường. Họ được nhìn nhận chủ yếu từ nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. | Thơ Tố Hữu có giọng tâm tình ngọt ngào, tha thiết. Giọng điệu thơ Tố Hữu được tạo nên bởi cái “chất Huế” từ nhỏ đã in rất đậm trong tâm hồn ông. Nhưng đồng thời, nó cũng xuất phát từ chính quan niệm về thơ của nhà thơ: “Thơ là một điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu […]. Thơ là tiếng nói đồng ý và đồng tình, tiếng nói đồng chí” (Trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn nghệ, tháng 5 – 1961). Thơ Tố Hữu nhiều bài giống như một cuộc giãi bày, trò chuyện, là những lời kêu gọi, nhắn nhủ. Trong thơ, nhà thơ thường hô gọi: “Đồng bào ơi, anh chị em ơi!”, “Hỡi các chị, các anh”, “Hỡi Người xưa của ta nay”,… Nhà thơ thường thể hiện sự xót xa, thương cảm hay trìu mến, say mê. | Thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc. Tính dân tộc thể hiện trong cả nội dung và hình thức thơ. Về nội dung, những vấn đề cốt lõi của cách mạng và đời sống được Tố Hữu phản ánh và giải quyết theo truyền thống đạo lí của ông cha. Về hình thức, đó là việc vận dụng các thể thơ truyền thống, vận dụng tục ngữ, ca dao, những lối nói quen thuộc của nhân dân; tính dân tộc trong thơ Tố Hữu thể hiện ở cách cảm, cách nghĩ, cách phô diễn mang đậm phong vị dân tộc. Đặc biệt, thơ lục bát của Tố Hữu luôn ngân nga điệu tâm hồn của dân tộc, dễ lay động lòng người. II – C U HỎI ÔN TẬP 1. Chứng minh rằng thơ Tố Hữu gắn liền với những chặng đường lịch sử quan trọng của đất nước. 2. Trình bày cách hiểu của anh (chị) về nhận định của Xuân Diệu: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”. 3. Tố Hữu từng nêu lên quan niệm: “Thơ là một điệu hồn đi tìm những tâm | hồn đồng điệu […]. Thơ là tiếng nói đồng ý và đồng tình, tiếng nói đồng chí”. Quan niệm trên đã được thể hiện như thế nào trong những bài thơ của Tố Hữu mà anh (chị) đã được học? 4. Nêu những nét chính của phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.