Phần một: Hướng dẫn nội dung ôn tập-Phần văn học-Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

Nguồn website dethi123.com

I – NỘI DUNG TRỌNG T M CẦN ÔN TẬP 1. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 – 5 – 1890 tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tên gọi thời thơ ấu và thanh thiếu niên của Người là Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Tất Thành. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác. Hồ Chí Minh gắn bó trọn đời với dân, với nước, với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới. Là chiến sĩ và là lãnh tụ cách mạng vĩ đại, Người cũng là nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc. Năm 1911, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (1920), chủ trì hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), thành lập Mặt trận Việt Minh (1941), trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945), được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1946). Từ đấy, Người giữ các chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước ta cho đến khi qua đời (ngày 2 – 9 – 1969). Năm 1990, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận và suy tôn Người là Anh hùng giải phóng dân tộc. 2. Sự nghiệp văn học a) Quan điểm sáng tác – Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc quy luật đặc trưng của hoạt động văn nghệ, từ phương diện tư tưởng đến nghệ thuật biểu hiện. Đặc biệt, Người coi văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng; xác định nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, góp phần tích cực đấu tranh phát triển xã hội: Nay ở trong thơ nên có thép Nhà thơ cũng phải biết xung phong. (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”) ” – Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến đối tượng thưởng thức. Người đề nghị mỗi người sáng tác nên xuất phát từ đối tượng và mục đích để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm: Khi cầm bút phải đặt câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì?” và “Viết như thế nào?”. Người chú ý quan hệ giữa phổ cập và nâng cao trong văn nghệ, ý thức và trách nhiệm của người cầm bút. . – Hồ Chí Minh coi trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. Người yêu cầu văn nghệ sĩ phải “miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn” hiện thực phong phú của đời sống cách mạng. b) Quá trình sáng tác và các đề tài chính – Hồ Chí Minh để lại một sự nghiệp văn chương lớn lao về tầm vóc, phong phú, đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong cách sáng tạo. * Văn chính luận: Gồm những tác phẩm được viết ra nhằm mục đích đấu tranh chính trị hoặc xác định, đề cập đến những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc qua những chặng đường lịch sử. Từ những năm hai mươi của thế kỉ XX, các bài văn chính luận với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đăng trên các tờ báo Pháp (Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền,…) tố cáo chế độ thực dân, nói lên nỗi thống khổ của người dân thuộc địa, đã có tác động mạnh mẽ và gây được những ảnh hưởng lớn đến công chúng Pháp và nhân dân nhiều nước thuộc địa. Tác phẩm tiêu biểu nhất khi Người hoạt động ở Pháp là Bản án chế độ thực dân Pháp. Những tác phẩm ra đời từ năm 1945 gồm: Tuyên ngôn Độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập, tự do (1966), Di chúc (1969),… đề cập đến những vấn đề thời sự cấp bách của dân tộc, của cách mạng, đồng thời thể hiện lòng yêu nước và tình cảm thiết tha với đồng chí, đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn phong khi hào hùng, khi tha thiết, làm rung động hàng triệu trái tim người yêu nước. * Truyện và kí: Tác phẩm thành công nhất của Hồ Chí Minh là tập Truyện và kí tập hợp các truyện ngắn và kí do Người viết từ năm 1922 đến năm 1925 bằng tiếng Pháp với bút danh Nguyễn Ái Quốc. Một số truyện ngắn như: Pa-ri, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, “Vi hành”, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu,… gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc bởi sự thâm thuý, kết cấu truyện độc đáo, lối kể chuyện vừa truyền thống vừa hiện đại. | Ngoài tập Truyện và kí trên, Người còn viết một số tác phẩm khác như Nhật kí chìm tàu (1931), Giấc ngủ mười năm (1949), Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963),… Trong đó, Vừa đi đường vừa kể chuyện thể hiện cái tôi trẻ trung, hồn nhiên, giản dị, say mê hoạt động, ham học hỏi và khả năng quan sát sắc sảo. | * Thơ ca: Đây là lĩnh vực nổi bật nhất trong sáng tác văn chương của Hồ Chí Minh, trong đó đáng chú ý nhất là tập thơ Nhật kí trong tù (1942 – 1943). | Nhật kí trong tù là tập thơ giàu giá trị nghệ thuật, nhiều bài vừa có phong vị cổ điển vừa mang tính chất hiện đại, phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh tù đày, chứa chan tình cảm nhân đạo đối với những người phu đường, người nông dân một nắng hai sương, các em nhỏ và những người phụ nữ, những bạn tù. – Thơ Hồ Chí Minh dù được viết bằng chữ Hán hay chữ quốc ngữ, dù giản dị hay thâm thuý đều rất gần gũi với người đọc. Những bài thơ trữ tình của Người thể hiện tình yêu thiên nhiên, tình người, tình đời sâu sắc, tinh thần ung dung, lạc quan, kết hợp chất trữ tình cách mạng với cảm hứng anh hùng ca của thời đại; những bài thơ tuyên truyền với văn phong mộc mạc, giản dị của Người có tác dụng khích lệ tinh thần đấu tranh của nhiều tầng lớp nhân dân. c) Phong cách nghệ thuật Nhìn chung, ở mỗi thể loại văn học, từ văn chính luận, truyện, kí đến thơ ca, Hồ Chí Minh đều tạo được những nét phong cách riêng, độc đáo và hấp dẫn; kết hợp sâu sắc, nhuần nhuyễn giữa chính trị và văn học, giữa tư tưởng và nghệ thuật, giữa truyền thống và hiện đại. Văn chính luận của Người giàu tri thức văn hoá, giàu tính luận chiến, lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo, giọng văn linh hoạt, biến hoá. Truyện và kí của Người dí dỏm, sắc sảo và rất hiện đại, đặt nền móng cho văn xuôi cách mạng Việt Nam. Thơ ca Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Người. Những bài thơ nghệ thuật viết theo cảm hứng thẩm mĩ hầu hết đều là thơ tứ tuyệt cổ điển, bằng chữ Hán; có sự hoà hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại, giữa chất tình và chất “thép”, giữa sự trong sáng, giản dị và sự hàm súc, • sâu sắc. Thơ ca tuyên truyền thường được viết bằng hình thức bài ca, lời lẽ giản dị, mộc mạc, phù hợp với đối tượng, dễ đi vào lòng người. II – C U HỎI ÔN TẬP 1. Anh (chị) hãy viết bài văn ngắn (khoảng 30 dòng) nói về sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh. 2. Nhà phê bình người Pháp Rô-giê Đơ-nuy nhận xét về thơ Hồ Chí Minh như sau: “Thơ Hồ Chí Minh nói ít mà gợi nhiều. Là loại thơ có màu sắc thanh đạm, có âm thanh trầm lặng, không phô diễn mà như cố khép lại trong đường nét chính để cho người đọc tự thưởng thức lấy cái ý tại ngôn ngoại. (Hồ Chí Minh, nhà thơ, dẫn theo Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2007, tr. 679) Anh (Chị) hãy chọn một vài bài thơ đã học của Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ nhận định trên.